0276 629 6789 - 0971 818129
CẦM ĐỒ
GÓP XE/ĐT
THU HỘ
TÀI CHÍNH
MẦM NON MĂNG NON
DỊCH VỤ TÀI CHÍNH
CAFE LONG HOA THỊ
LONG HOA THỊ
Meron Farm của đôi vợ chồng trẻ 9X

Từ Israel, vợ chồng 9x về quê làm nông nghiệp không hóa chất: Biến đất cứng như đá thành vườn dược liệu xanh mướt, sống rất hạnh phúc!

      Meron Farm là kết quả của những trăn trở mà anh Thanh Dư và chị Thanh Mi mang về sau một năm tu nghiệp tại Israel. Kế thừa tinh thần của con người xứ sa mạc, cặp vợ chồng trẻ quyết tâm xây dựng và đưa mô hình nông nghiệp bền vững tới nhiều nông dân.

Vượt qua đoạn đường đất gập ghềnh, chúng tôi gặp anh Thanh Dư trong một chiều nắng đầu mùa khô, tại nông trại dược liệu Meron Farm, thuộc Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. So với bức ảnh chụp cùng vợ hồi đầu năm, anh Dư có vẻ gầy hơn, nước da cũng sạm đi, chỉ có gương mặt vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát và chất phác của người nông dân trẻ.

Bén duyên nơi xứ người

Meron Farm mới ra đời vào tháng 4/2020, từ “meron” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “chiến binh”. Đây là kết quả của những trăn trở mà vợ chồng anh Thanh Dư (SN 1995) - chị Thanh Mi (SN 1993) mang về sau chuyến đi Israel.

“Tôi là dân điện tử viễn thông nhưng từ thời đại học đã rất mê đất nước đặc biệt này. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp, tôi “gap year”, qua Israel làm thực tập sinh nông nghiệp tại trang trại của người Do Thái", anh kể.

                                                             Anh Thanh Dư. (Ảnh: Lê Hoa)

Đây cũng là nơi anh Dư gặp chị Mi - một cô gái người miền Trung, có bằng kỹ sư công nghệ thực phẩm. Họ đã học tập, lao động và tìm thấy tình yêu, lý tưởng chung với nông nghiệp trên xứ sở sa mạc này.

“Thời gian ở Israel đã khiến tư duy về nông nghiệp của tôi thay đổi rất nhiều. Thấy nông nghiệp của nước họ phát triển, chúng tôi cảm thấy trăn trở, muốn trở về làm một mô hình nông nghiệp bền vững, canh tác không hóa chất.

Tôi muốn xuất phát từ cái gốc, từ người nông dân. Nếu muốn nông dân giàu mà chỉ đứng ở trên nhìn xuống, không hiểu tâm thế của họ thì rất khó. Có một nghịch lý là làm nông rất cực khổ, giá trị nông sản đáng ra phải cao, người nông dân đáng ra phải được tôn trọng nhưng thực tế lại không như vậy. Trong khi đó, ở Israel, nông nghiệp rất phát triển, người nông dân được đề cao”, anh Dư trăn trở.

Về nước sau một năm tu nghiệp, đôi bạn trẻ trở về Đồng Tháp - quê hương của anh Dư, kết hôn và bắt đầu ấp ủ kế hoạch “bỏ bằng kỹ sư” để làm nông dân.

Nông nghiệp "công nghệ thấp"

“Người trẻ làm nông nghiệp thường có hai kiểu. Hoặc bỏ phố về quê, được sống nhẹ nhàng, chỉ cần trồng đủ ăn, hoặc muốn làm và phát triển nông nghiệp. Tôi thuộc kiểu người thứ 2”, anh cười nói.

Nhận thấy các loại dược liệu của Việt Nam rất phong phú, có nhiều tác dụng, đôi vợ chồng quyết định thuê 6.000 m2 đất ruộng, vừa cải tạo vừa bắt đầu trồng những loại cây dễ sống.

Đất là vấn đề khó khăn và tốn nhiều chi phí nhất. Anh Dư cho biết, mảnh đất này trước kia vốn trồng lúa, bị nhiễm độc và nhiều phèn, khô cứng như đá. Nếu cải tạo không tốt, cây rất dễ chết.

“Tôi để cỏ mọc tự nhiên, đồng thời trồng cây tới đâu bón phân tới đó. Đây là biện pháp đơn giản và tiết kiệm nhất. Hiện tại, đất đã “sống” rồi”.

                                                        Mảnh đât trước và sau khi được cải tạo.

Ngoài ra, cặp vợ chồng trẻ đào thêm một ao nhỏ dùng để trữ nước cho mùa khô. Trở về từ Israel - đất nước nổi tiếng với nông nghiệp công nghệ cao nhưng anh nông dân sinh năm 1995 tự nhận mình chỉ làm “công nghệ thấp”.

Nói như vậy bởi thời gian đầu, do nguồn vốn hạn hẹp nên đôi vợ chồng làm bằng sức chân tay là chủ yếu, sử dụng phân bò ủ với rơm, dung dịch vi sinh và không dùng hệ thống tưới nhỏ giọt. Đương nhiên, không có sự xuất hiện của thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học.

“Cái quan trọng nhất tôi học được ở Israel là tính hiệu quả, làm sao để giải quyết những vấn đề đang có, chứ không phải công nghệ hay thứ gì khác. Mình có vốn bao nhiêu thì tìm cách xoay sở bấy nhiêu”.

“Người Israel thường bị nói là keo kiệt nhưng thực ra, họ chỉ tính toán kỹ, để làm việc hiệu quả và tiết kiệm nhất”.

Hiện các cây dược liệu chính tại Meron Farm bao gồm atiso đỏ, hoa đậu biếc và bạc hà. Ngoài ra, anh Dư trồng thêm rất nhiều loại dược liệu khác, phần để sưu tầm, nghiên cứu, phần để bảo tồn.

Trong đó, atiso đỏ được chế biến thành mứt, siro, trà, còn hoa đậu biếc, bạc hà sấy khô thành trà - đặc biệt tốt cho những người muốn chữa chứng mất ngủ. Mỗi ngày, nông trại cho thu hoạch khoảng 6-7kg hoa đậu biếc, có thể sản xuất ra 1-1,5kg trà thành phẩm.

                                                  Một vài sản phẩm hiện tại của nông trại Meron Farm.

Thời gian tới, nông trại này sẽ cung cấp thêm những sản phẩm mới như mứt dừa, mắm tép đu đủ và các sản phẩm khác từ atiso đỏ,...

Chia sẻ với phóng viên, anh Dư cho biết, Meron Farm hướng tới phương châm “Nông nghiệp vì sức khỏe”, dựa trên ba nền tảng: “Khỏe cho đất, khỏe cho người nông dân, khỏe cho người tiêu dùng”. Nói một cách dễ hiểu, trước tiên phải nuôi dưỡng đất thật tốt để tạo ra nguồn nguyên liệu sạch và an toàn, từ đó sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Không những vậy, trên chính mảnh vườn ấy, người nông dân cũng được sống khỏe, không khí trong lành, không có hóa chất độc hại.

“Làm nông dân rất hạnh phúc”

Thay vì mở rộng nông trại của mình, anh Dư chỉ cố gắng phát triển Meron Farm thành một mô hình kiểu mẫu. Sau đó, hướng tới liên kết các hộ nông dân, giúp họ có thể trồng và tạo ra các mô hình bền vững tương tự.

Anh nông dân trẻ cho rằng đây là một trong những bài học lớn nhất mà anh đã đúc kết được trong một năm làm thực tập sinh ở Israel. Tại đây, người nông dân không cô độc mà họ có cộng đồng, có hệ sinh thái riêng. Không chỉ sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà còn có người làm nghiên cứu, làm truyền thông, người kinh doanh. Tất cả liên kết, hợp tác với nhau để tạo nên chuỗi giá trị cho nông sản.

Ngoài vợ chồng anh Dư - chị Mi, Meron Farm còn nhận tình nguyện viên, trong đó có anh Phan Văn Hùng, sinh năm 1995. Cũng từng làm thực tập sinh nông nghiệp trong một năm tại Israel, anh Hùng trở về nước và trải nghiệm thêm tại nhiều nông trại khác nhau. Tuy nhiên, càng làm, anh càng hoang mang vì thấy không giống những gì từng được làm, được học. Nhờ duyên gặp gỡ, chàng trai người Đắk Lắk quyết định gắn bó với Meron Farm để trở về với nông nghiệp nguyên bản.

                                                                        Anh Dư và anh Hùng.

Sau hơn 8 tháng làm nông dân trên chính mảnh đất quê hương, anh Dư ngẫm nghĩ: “Làm nông dân rất hạnh phúc, cho đến khi phải đem đi bán thì bớt vui một chút”. (Cười)

“Tôi cũng bắt đầu thấy áp lực về tiền bạc và nhiều vấn đề khác. Dẫu vậy, Meron như một đứa con - nên sẽ luôn cố gắng, đã bắt đầu thì sẽ kiên cường tới cùng, vì một lý tưởng mà chúng tôi đang theo đuổi”.

                                                                                                                                                                                               Thùy Dương

                                                                                                                                                                                  Nguồn Copy : CafeBiz

 

Tin liên quan
logoft
Liên hệ

0276 629 6789

2020 Copyright © CÔNG TY TNHH MTV KING THỊNH VƯỢNG. Web Design by Nina.vn
Đang online: 5   |   Trong tháng: 487   |   Tổng truy cập: 77937

Meron Farm của đôi vợ chồng trẻ 9X

Hotline tư vấn miễn phí: 0276 629 6789
zalo